Elon Musk là một doanh nhân, nhà phát triển công nghệ và nhà đầu tư nổi tiếng người Mỹ. Ông nổi tiếng với vai trò sáng lập và điều hành Tesla, Inc., công ty sản xuất ô tô điện nổi tiếng trên thế giới. Ông không chỉ là một trong những cá nhân xuất sắc nhất của giới kinh doanh, mà còn là người nổi tiếng với tư duy đột phá và những nguyên tắc quản lý đội ngũ đặc sắc. Dưới đây là 8 nguyên tắc quản lý của ông:
1. Hạn chế các cuộc họp quy mô lớn
Quy tắc đầu tiên mà Musk khuyến nghị là ngừng tổ chức các cuộc họp lớn. Ông nói: “Họp hành quá nhiều là nhược điểm của các công ty lớn và chất lượng các cuộc họp càng ngày càng kém đi theo thời gian. Hãy loại bỏ tất cả các cuộc họp lớn trừ khi bạn chắc chắn rằng chúng đang mang lại giá trị cho toàn bộ người tham gia, trong trường hợp đó hãy tiến hành một cách ngắn gọn.”
Theo quan điểm trên thì các cuộc họp lớn có quá nhiều người tham gia, dẫn đến việc nhiều người mất tập trung, làm giảm giá trị của cuộc họp. Ngoài ra, các cuộc họp lớn khiến những người tham gia khó đặt câu hỏi làm rõ hoặc đưa ra phản hồi về các vấn đề. Trong khi đó, các cuộc họp quy mô nhỏ sẽ diễn ra nhanh hơn và tất cả mọi người đều có thể nêu ra ý kiến của mình để trao đổi nhằm tìm cách giải quyết vấn đề nhanh chóng.
2. Giảm thời gian và tần suất của các cuộc họp, trừ khi có vấn đề khẩn cấp
“Cần hạn chế các cuộc họp định kỳ, trừ khi cần giải quyết một vấn đề cực kỳ khẩn cấp. Và một khi vấn đề cấp bách đã được giải quyết, cần ngay lập tức giảm tần suất họp xuống” – Ông chia sẻ.
Cuộc họp thường xuyên có thể làm mất đi thời gian quý báu của nhân viên, đặc biệt là khi chúng không được tổ chức hiệu quả. Những cuộc họp thường xuyên trở nên thiếu hiệu quả khi không có mục tiêu cụ thể, có thể gây ra sự mệt mỏi và làm giảm sự tập trung của nhân viên, đặc biệt là khi cuộc họp kéo dài mà không có nội dung quan trọng.
3. Hãy rời khỏi một cuộc họp nếu thấy mình không có đề xuất gì
Ông nhấn mạnh: “Nếu ngồi họp mà thấy bản thân không đóng góp được ý kiến gì, hãy rời khỏi đó ngay lập tức. Người bỏ đi không phải là người thô lỗ, mà bắt ai đó ở lại và lãng phí thời gian của họ mới là điều bất lịch sự”.
Theo ông, nếu ai đó không có bất cứ ý kiến gì có giá trị để đề xuất trong cuộc họp thì họ không nên có mặt ở đó. Các cá nhân nên tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ hằng ngày của họ thay vì ở lại trong một cuộc họp không liên quan gì đến họ.
4. Tránh sử dụng những từ viết tắt hoặc thuật ngữ khó hiểu
“Không sử dụng các từ viết tắt hoặc các từ vô nghĩa cho mọi đối tượng, phần mềm hoặc quy trình tại Tesla. Nói chung, không nói hoặc viết điều gì mà người khác khó hiểu, phải giải thích lại. Ở Tesla, chúng tôi không muốn mọi người phải ghi nhớ cả một bảng thuật ngữ mới chỉ để phục vụ cho công việc.” – Ông tuyên bố
Mục đích của quy tắc này là sử dụng ngôn ngữ đơn giản, ngắn gọn để tránh sự mơ hồ và nhầm lẫn, đảm bảo mọi người đều hiểu được thông điệp một cách rõ ràng.
5. Báo cáo trực tiếp, không cần phân cấp
Ông đưa ra ý kiến: “Mọi giao tiếp hay báo cáo cần phải theo con đường ngắn nhất để hoàn thành công việc, không cần phải thông qua hệ thống báo cáo theo phân cấp. Bất kỳ giám đốc nào cố tình áp dụng hệ thống đó sẽ bị sa thải khỏi công ty”.
Nghĩa là một nhân viên có thể báo cáo tình hình công việc, vấn đề gặp phải cho bất kỳ ai. Theo đó, nhân viên có thể báo cáo trực tiếp lên Tổng Giám đốc mà không cần thông qua quản lý của mình, miễn sao vấn đề được giải quyết nhanh chóng nhất có thể
6. Nếu cần ai đó, hãy trực tiếp liên hệ
“Cho phép trao đổi thông tin tự do giữa tất cả các cấp trong công ty để tránh các vấn đề không đáng có.”
“Để hoàn thành một công việc giữa các kho, một nhân viên phải nói chuyện với quản lý, quản lí nói chuyện với giám đốc, giám đốc nói chuyện với cấp trên, … cứ liên tục như vậy với chiều ngược lại. Điều này không những mất thời gian mà còn có thể làm hỏng công việc cần thực hiện. Bởi vậy, mọi người phải nói chuyện trực tiếp và chỉ cần làm đúng việc cần làm là được.”
7. Không mất thời gian tuân theo những quy tắc vô lý
“…Nói chung, hãy luôn chọn lẽ thường làm kim chỉ nam cho bạn. Nếu việc tuân theo một quy tắc của công ty rõ ràng là vô lý trong một tình huống cụ thể, chẳng hạn như nó sẽ tạo nên một bộ phim hoạt hình Dilbert tuyệt vời, thì quy tắc đó nên thay đổi ”.
8. Không tiết lộ thông tin trong bất kỳ trường hợp nào
Musk nói: “Với tư cách là một nhân viên và cổ đông, mỗi chúng ta có trách nhiệm bảo vệ tất cả thông tin và công nghệ được tạo ra và sử dụng hàng ngày tại nơi này.”
“Tesla sẽ có biện pháp trừng phạt những người làm rò rỉ thông tin độc quyền của doanh nghiệp một cách trái phép hoặc vi phạm vào nghĩa vụ không tiết lộ mà tất cả chúng ta đã đồng thuận. Có thể bao gồm việc chấm dứt việc làm, yêu cầu bồi thường thiệt hại, và thậm chí cả cáo buộc hình sự”.
Thoạt nhìn, các quy tắc về năng suất của Musk có vẻ hợp lý. Ít thời gian hơn trong các cuộc họp có nghĩa là có nhiều thời gian hơn cho công việc thực tế và việc giao tiếp hợp lý có thể ngăn chặn những thông tin sai lệch có thể làm mọi việc chậm lại. Nhưng những quy tắc này có thực sự hiệu quả trong thực tế không? Trên thực tế thì có 2 luồng dư luận tranh cãi về những quy tắc này. Theo đó, những người ủng hộ Elon Musk thường khen ngợi ông là một có tầm nhìn và những quy tắc này rất hữu ích để nâng cao năng suất. Ngược lại, những người phê phán cho rằng ông đặt những yêu cầu không thực tế. Dù bạn thuộc phe nào trong cuộc tranh luận, việc nghiên cứu các kỹ thuật quản lý và quy tắc làm việc hiệu suất của Musk có thể mang lại hiểu biết sâu sắc và hữu ích cho công việc hàng ngày.